Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Cách Nấu Chân Giò Hầm Thuốc Bắc Bồi Bổ Cơ Thể

Cách nấu chân giò hầm thuốc bắc khá cầu kỳ, nhưng bù lại món ăn này đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng, rất tốt cho cơ thể. Vị ngon ngọt của thịt chân giò hòa cùng mùi thơm đặc trưng của các vị thuốc bắc như táo tàu, hạt sen, thục địa, cao kỳ tử, nhãn nhục… tạo cho món ăn hương vị tuyệt vời khiến bạn thích mê.

Chân giò hầm thuốc bắc

Chân giò hầm thuốc bắc không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng cao mà còn có công dụng chữa bệnh. Ảnh: Internet

Thịt chân giò mềm thơm, không khô, phần mỡ ăn không ngấy nên rất được ưa chuộng. Thuốc bắc là cách gọi chung các loại thuốc được sử dụng trong Đông y của Trung Quốc. Sự kết hợp giữa chân giò và thuốc bắc sẽ tạo ra món ăn không những có hương vị đặc trưng mà còn có tác dụng bồi bổ cơ thể. Cùng tìm hiểu cách nấu chân giò hầm thuốc bắc qua bài viết dưới đây.

Nguyên liệu nấu chân giò hầm thuốc bắc

  • Chân giò heo: 600g
  • Thuốc bắc gồm các vị: hạt sen, cao kỳ tử, thục địa, kim châm, táo tàu, hoài sơn, nhãn nhục. Hoặc bạn có thể tìm mua gói gia vị nấu chân giò hầm thuốc bắc tại các tiệm bán thuốc bắc, siêu thị, chợ.
  • Nấm đông cô: 100g
  • Hạt sen tươi: 100g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Củ sắn: 1 củ
  • Dừa xiêm: 1 quả
  • Rau xà lách xoong: 200g
  • Hành tây: 1/4 củ
  • Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, muối, dầu ăn, nước tương, gừng, tiêu hạt

Muốn có món chân giò hầm thuốc bắc ngon phải có đầy đủ gia vị. Ảnh: Internet

Cách nấu chân giò hầm thuốc bắc

Bước 1: Sơ chế chân giò

Chân giò cạo sạch lông và lớp biểu bì còn dính trên da. Sau đó đem đi rửa với nước muối loãng, cọ sạch phần móng. Cách làm này sẽ giúp cho chân giò trắng sạch và khử mùi hôi hiệu quả.

Thui chân giò trên bếp ga đến khi thấy phần da hơi vàng là được. Nếu có rơm để thui chân giò sẽ thơm giòn và ngon hơn. Bạn cũng có thể dùng đèn khò ga hoặc nướng chân giò trên bếp than đều được. Miễn thịt chân giò bên trong không bị chín, chỉ có phần da hơi cháy xém thơm.

Thui chân giò

Thui chân giò trên bếp ga cho tới khi lớp da ngả màu vàng nâu. Ảnh: Internet

Tiếp đến, đem chân giò rửa sạch, dùng dao cạo sạch lớp muội than còn dính trên miếng chân giò.

Cho chân giò vào nồi nước có vài lát gừng, hành tây và 1/2 muỗng muối. Luộc sơ chân giò rồi vớt ra rửa sạch lại. Sau đó chặt chân giò thành miếng vừa ăn.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Các loại thuốc bắc ngâm nước cho nở rồi rửa sạch, để ráo.

Nấm đông cô ngâm nước cho nở mềm.

Cà rốt, củ sắn gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc.

Rau xà lách xoong nhặt bỏ rễ, rửa sạch.

Dừa xiêm chặt lấy nước dừa để riêng.

Bước 3: Tiến hành hầm chân giò

Bắc nồi lên bếp, đổ vào 1 lít nước lọc, thêm phần nước dừa xiêm vào, khuấy đều. Sau đó cho tiếp phần thuốc bắc vào nồi nấu với lửa vừa.

Khi thấy nước chuyển sang màu nâu đỏ, trút phần chân giò vào nồi. Đợi nồi hầm sôi trở lại nêm 1 muỗng muối, 1 muỗng nước tương, 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng đường rồi khuấy đều.

Đậy nắp tiếp tục nấu đến khi thịt chân giò chín mềm, cho nấm đông cô, hạt sen, cà rốt và củ sắn vào nấu. Nấu thêm khoảng 10 phút bạn nêm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.

Chân giò hầm thuốc bắc nên ăn ngay khi còn nóng để giữ được hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Khi ăn bạn nhúng một ít xà lách xoong vào nước hầm nóng, ăn kèm với mì trứng hay bún gạo đều ngon.

thành phẩm chân giò hầm thuốc bắc

Thưởng thức chân giò hầm thuốc bắc lúc còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương vị. Ảnh: Internet

Yêu cầu thành phẩm

Chân giò hầm thuốc bắc có hình thức đẹp mắt, nước dùng trong, thơm mùi thuốc bắc nhưng không quá nồng.

Khi ăn miếng thịt giò chín mềm, ngấm gia vị và các loại thuốc bắc. Nước dùng đậm đà, có vị ngọt của rau củ, nấm đông cô và không còn vị đắng của thuốc bắc.

Giá trị dinh dưỡng của món chân giò hầm thuốc bắc

Chân giò là một trong những bộ phận có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bổ huyết và vitamin A, B. Ăn chân giò còn giảm suy nhược thần kinh, giúp ngủ ngon. Ngoài ra, chất keo trong chân giò còn giúp các tế bào da không bị khô nhăn, giúp da giữ được độ ẩm.

Phụ nữ sau sinh thường ăn chân giò để bồi bổ sức khỏe, có tác dụng bổ huyết, bổ sung sắt và các loại vitamin.

thịt chân giò

Thịt chân giò thích hợp chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, giàu dinh dưỡng. Ảnh: Internet

Thuốc bắc thường được hãm, ninh trong nước để uống chữa bệnh. Những món ăn với thuốc bắc có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu hay ốm vặt, để bồi bổ cơ thể và còn rất tốt cho bà bầu.

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc bồi bổ cơ thể không tốn quá nhiều thời gian của bạn. Hãy thực hiện ngay món ngon này để bữa cơm của gia đình luôn ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng.

Ngoài cách hầm thuốc bắc, thịt chân giò còn có thể chế biến thành những món ngon hấp dẫn khác. Hãy điền thông tin vào form bên dưới để Bếp Trưởng Á Âu sẽ tư vấn các khóa học nấu ăn theo nhu cầu của bạn.

The post Cách Nấu Chân Giò Hầm Thuốc Bắc Bồi Bổ Cơ Thể appeared first on Bếp Trưởng.


Nguồn: https://beptruong.edu.vn/day-nau-an/mon-an-ngon/chan-gio-ham-thuoc-bac Theo dõi thêm các bài viết khác tại: http://beptruongedu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét